Để ghi nhận tình hình người dân cấp tập đi đổi giấy phép lái xe (GPLX),úcđổigiấyphéplávaoroi tv PV Thanh Niêncó mặt tại địa chỉ 111 Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú, TP.HCM) - điểm tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX của Sở GTVT TP.HCM. Tại đây, hàng trăm người chen lấn đứng, ngồi chờ tới lượt. Khu vực chụp hình thẻ, photocopy, khám sức khỏe cũng đông nghẹt người xếp hàng.
Đi đổi GPLX mới vì sợ bị phạt
Tại khu vực tiếp nhận hồ sơ, một nữ nhân viên liên tục dùng loa gọi tên người dân đã nộp hồ sơ lên để lấy số thứ tự, hướng dẫn các bước đổi GPLX. Phía bên dưới, hàng trăm người cầm hồ sơ ngồi trên ghế chờ đọc tên, rất lâu mới đến lượt.
Lúc 11 giờ 50, vừa được nhân viên gọi tên lấy số thứ tự để làm thủ tục đổi GPLX hạng A1, chị Nguyễn Thị Hạnh (ngụ Q.Tân Bình) nói: "Tôi đến đây từ lúc 9 giờ để nộp hồ sơ, giờ mới lấy được số thứ tự". Đồng hồ chỉ 12 giờ trưa, cầm số thứ tự 265, chị Hạnh lo lắng: "12 giờ trưa rồi mà bảng thứ tự mới nhảy đến số 114, số thứ tự của tôi là 265 thì chắc tối nay mới xong thủ tục". Trao đổi với PV Thanh Niên, chị Hạnh cho biết GPLX hạng A1 của chị được cấp năm 2006, mấy ngày qua, chị nghe thông tin bằng lái mô tô (A1) được cấp trước ngày 1.7.2012 nếu không đổi sang dạng mới sẽ bị CSGT xử phạt. "Tôi nghe vậy nên rủ bạn bè, người thân đi đổi GPLX hạng A1 để khỏi bị phạt", chị nói.
Tương tự, anh Nguyễn Minh Trí (41 tuổi, tài xế xe công nghệ, ngụ Q.Bình Thạnh) cho hay GPLX hạng B2 của anh đến tháng 12.2023 sẽ hết hạn. Mấy ngày qua, anh nghe thông tin nếu không đổi GPLX mới thì sẽ bị CSGT phạt nên anh đi làm thủ tục đổi GPLX hạng B2 và cả GPLX hạng A1 của mình. "Gần 12 giờ rồi mà số thứ tự mới nhảy 104, số của tôi đến 243 thì chắc nằm chờ tới tối mới đến lượt!", anh lo lắng.
"Giờ này em chưa ăn uống gì nữa, mà hồ sơ chất đống"
Lúc 11 giờ 40, nhân viên tiếp nhận hồ sơ thông báo "anh, chị nào nộp hồ sơ thì 13 giờ quay trở lại, hiện tại hồ sơ còn chất đống chưa giải quyết xong". Lúc 12 giờ, một người đàn ông mang hồ sơ vào nộp thì nhân viên này nói: "Anh ơi! thông cảm giúp, giờ này em còn chưa ăn uống gì nữa, mà hồ sơ chất đống. 13 giờ anh mang hồ sơ lại đây em nhận nhé anh!". Tiếp đó, một phụ nữ mang hồ sơ đổi GPLX tới hỏi thì nữ nhân viên tiếp tục thông báo: "Bên em có 3 địa điểm tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX, anh chị xem chỗ nào gần nơi mình ở để nộp hồ sơ hoặc đăng ký trực tuyến cho khỏi mất thời gian chờ đợi".
Tại địa chỉ 111 Tân Sơn Nhì, Phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX (Sở GTVT TP.HCM) đã bố trí bàn, nhân viên hỗ trợ người dân đăng ký trực tuyến để đổi GPLX. Tại đây, hai nhân viên dùng hai máy tính, liên tục hướng dẫn cho người dân đăng ký trực tuyến. Người dân thì đứng kín chờ đến lượt được hỗ trợ. Anh Nguyễn Hữu Phước (30 tuổi, quê Bình Dương) lo lắng: "Tôi chạy từ Bình Dương xuống dưới này để đổi bằng C cho nhanh, ai ngờ đợi từ sáng tới giờ vẫn chưa đăng ký được". Nguyên nhân anh Phước đi đổi là GPLX hạng C của anh sắp hết hạn nên lo lắng bị CSGT xử phạt nếu không đổi GPLX mới.
Không có chuyện bị phạt nếu dùng GPLX dạng giấy
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX (Sở GTVT TP.HCM), cho biết trung bình mỗi ngày phòng này tiếp nhận từ 1.200 - 1.500 hồ sơ đổi GPLX mới các loại. Những ngày qua, hồ sơ tăng khoảng 10%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân nộp hồ sơ đổi GPLX tăng, trong đó có nhiều người chưa hiểu đúng quy định, dẫn đến lo lắng bị phạt.
Cụ thể, lý do thứ nhất là Phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX có 3 địa điểm tiếp nhận hồ sơ tại 252 Lý Chính Thắng (P.9, Q.3); 8 Nguyễn Ảnh Thủ (P.Trung Mỹ Tây, Q.12) và 111 Tân Sơn Nhì (P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú). Do cơ sở 252 Lý Chính Thắng dừng nhận hồ sơ để sửa chữa trong 1 tháng, dẫn đến nhiều người tập trung tại hai địa điểm còn lại. Thứ hai năm 2023 là đúng thời hạn 10 năm của các loại GPLX hạng B1, B2 và 5 năm đến hạn GPLX hạng C, D, F cần phải đổi. Thứ ba, người dân lo lắng trước thông tin GPLX bằng giấy được cấp trước ngày 1.7.2012 nếu không đổi sẽ bị phạt.
Về lý do thứ ba, theo ông Quang, hiện nay GPLX giấy do ngành GTVT cấp vẫn còn hiệu lực, chưa có bắt buộc phải đổi, không có chuyện cơ quan chức năng kiểm tra xử phạt. Chính vì vậy, người dân cần tìm hiểu kỹ, không nên lo lắng đổ xô đi đổi GPLX để mất thời gian, công sức. "Hiện nay công an, các cơ quan liên quan khuyến khích người dân đổi GPLX bằng giấy được cấp trước ngày 1.7.2012 qua GPLX dạng thẻ PET để tích hợp vào hệ thống dịch vụ công quốc gia. Nếu người dân chưa tích hợp thì vẫn dùng GPLX dạng giấy", ông Quang thông tin.
Ông Ngô Đình Quang cho biết thêm hiện Sở GTVT TP.HCM đã triển khai nhiều hình thức để người dân đăng ký, nộp hồ sơ đổi GPLX, chẳng hạn như gọi vào tổng đài 1081 để đăng ký nộp sơ. Sau khi đăng ký qua tổng đài, người dân được hướng dẫn đến các địa điểm của Sở GTVT để nộp. Hồ sơ đổi GPLX mới gồm: đơn xin đổi GPLX; giấy khám sức khỏe; bản photocopy CCCD và GPLX; hình thẻ. Bên cạnh đó, hiện nay hạ tầng của TP.HCM đã đủ đáp ứng được cho người dân đăng ký trực tuyến, nộp hồ sơ đổi GPLX để không mất thời gian, công sức đi lại.
Hà Nội: Người dân xếp hàng chờ đổi GPLX
Dù chưa bắt buộc đổi GPLX cũ sang thẻ PET nhưng những ngày gần đây, nhiều người dân Hà Nội vẫn chủ động đến trụ sở Sở GTVT Hà Nội trên đường Võ Chí Công (Q.Tây Hồ) để thực hiện. Theo khảo sát của Thanh Niên, người dân thường có mặt từ 7 giờ và 13 giờ mỗi ngày để xếp hàng, lấy số. Mặc dù rất đông người dân tập trung tại đây nhưng không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy. Người dân được phát số thứ tự và có chỗ ngồi chờ đã bố trí sẵn. Ông Nguyễn Quốc Hưng (45 tuổi, trú tại Q.Bắc Từ Liêm) chia sẻ: "Thấy qua báo đài phản ánh ở TP.HCM xếp hàng đông nên tranh thủ ở Hà Nội chưa rầm rộ thì tôi đến làm sớm, sau này sợ đến hẹn lại đông đúc như đăng kiểm". Theo ông Hưng, ông đến lúc khoảng 7 giờ 30, được cấp số chờ và xử lý hồ sơ theo thứ tự, nhanh chóng, không xảy ra tình trạng chen lấn.
Thảo Vân
Miền Tây, Đà Nẵng: Tăng đột biến
Tại TP.Cần Thơ, theo ghi nhận PV, lượng người dân đến Sở GTVT đổi GPLX mô tô sang thẻ PET rất đông. Trước khu vực làm thủ tục luôn có cả trăm người xếp hàng đợi. Vượt gần 30 km xuống trung tâm thành phố để đổi GPLX từ sáng sớm nhưng tới chiều vẫn chưa đến lượt, anh Nguyễn Văn Ngọc Hân (40 tuổi, ngụ Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) sốt ruột cho biết: "Vợ chồng tôi chờ 7 tiếng vẫn chưa xong. Mấy bữa trước có nghe râm ran tới đây sẽ bắt buộc đổi sang thẻ mới nên tranh thủ đi làm. Chạy ra hỏi địa phương thì người ta chỉ lên Sở GTVT TP.Cần Thơ. Cứ ngỡ đi sớm cho ít người, ai ngờ tới nơi đã có cả trăm người bốc số trước mình", anh Hân kể.
Cầm tờ giấy hẹn sau hơn 1 tuần quay lại lấy GPLX mới, anh Nguyễn Đang (30 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) cho biết thủ tục đổi GPLX từ giấy qua thẻ PET khá đơn giản, hồ sơ chỉ cần có giấy đề nghị đổi bằng lái xe, CCCD và GPLX cũ. Anh nói thêm thấy thuận tiện hơn khi đổi GPLX mới và cập nhật luôn vào tài khoản định danh điện tử (VNeID).
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau, cho biết người dân đi đổi GPLX mô tô từ giấy sang thẻ PET tăng đột biến trong những ngày gần đây. "Hỏi thì họ cho biết nghe tin sẽ bắt buộc phải đổi qua thẻ PET, lo ngại thời gian tới nhu cầu đổi cao gây khó khăn nên đã tranh thủ làm sớm", ông Sơn nói. Cũng theo thông tin từ sở này, nếu bình thường chỉ có 40 - 50 người đến đổi GPLX thì mấy ngày qua, con số này tăng gấp 2 - 3 lần. Riêng ngày 10.10, khoảng 14 giờ thì bộ phận một cửa của đơn vị phải thông báo tạm ngưng nhận thêm hồ sơ vì đã quá tải, không làm kịp trong ngày.
Ghi nhận tại Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng, bộ phận một cửa các quầy thủ tục Sở GTVT TP.Đà Nẵng có đông người dân đến giải quyết hơn mọi ngày cũng vì hiểu nhầm thông tin liên quan đến đổi GPLX. Về số lượng, Sở GTVT TP.Đà Nẵng xác nhận lượng người đổi GPLX bằng giấy sang thẻ PET có tăng đột biến, nhưng bộ phận một cửa cũng như các khâu giải quyết thủ tục khác vẫn đảm bảo thông suốt. Sở GTVT TP.Đà Nẵng sẽ tăng cường tuyên truyền về nộp hồ sơ trực tuyến tại UBND các quận, huyện, xã phường và cơ sở y tế khám sức khỏe lái xe có chữ ký số.
Duy Tân - Gia Bách - Nguyễn Tú